Tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế
Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất trao đổi hàng hoá dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra các trường hợp mà quyền và nghĩa vụ của các bên bị xâm phạm, dẫn đến xảy ra tranh chấp. Có thể nói, tranh chấp hợp đồng là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến giữa các bên tham gia quan hệ hợp đồng liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng.
Để đảm bảo tối ưu quyền và lợi ích của khách hàng, Văn Phòng Luật Sư Phụng Việt xin tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế dưới các góc độ sau:
1. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng
Pháp luật hiện hành công nhận các phương thức giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh thương mại: thương lượng, hòa giải, trọng tài vào tòa án. Các bên có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp theo quy định của pháp luật khi xảy ra tranh chấp.
– Thương lượng: là phương thức được các bên tranh chấp lựa chọn trước tiên và trong thực tiễn phần lớn các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại được giải quyết bằng phương thức này. Nhà nước khuyến khích các bên áp dung phương thức tự thương lượng để giải quyết các tranh chấp trên nguyên tắc tôn trọng quyền thỏa thuận của các bên.
– Hòa giải: là việc các bên tiến hành thương lượng giải quyết tranh chấp với sự hỗ trợ của bên thứ ba là hòa giải viên. Kết quả hòa giải phụ thuộc vào thiện chí của các bên tranh chấp và uy tín, kinh nghiệm và kỹ năng của trung gian hòa giải, quyết định cuối cùng của việc giải quyết tranh chấp không phải là của trung gian hòa giải mà hoàn toàn phụ thuộc vào các bên tranh chấp.
– Trọng tài: Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là một hình thức giải quyết tranh chấp không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường hiện nay và ngày càng được các nhà kinh doanh ưa chuộng. Đây là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của Hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm giải quyết mâu thuẫn tranh chấp bằng việc đưa ra phán quyết có giá trị bắt buộc các bên phải thi hành.
– Tòa án: Đây là phương thức giải quyết khá phổ biến. Do có thuận lợi là Tòa án có cơ quan cưỡng chế thi hành bằng quyền lực Nhà nước. Tuy nhiên lại mắc phải hạn chế đó là thời hạn giải quyết lâu, thủ tục khá lằng nhằng.
2. Phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án
2.1. Hồ sơ khởi kiện
– Đơn khởi kiện.
– Hợp đồng kinh tế hoặc văn bản, tài liệu giao dịch có giá trị như hợp đồng kinh tế.
– Biên bản bổ sung, phụ lục, phụ kiện hợp đồng (nếu có).
– Tài liệu về bảo đảm thực hiện hợp đồng như: cầm cố, thế chấp, tài sản (nếu có).
– Tài liệu về việc thực hiện hợp đồng như giao nhận hàng , các biên bản nghiệm thu, các chứng từ thanh toán, biên bản thanh lý hợp đồng, các biên bản làm việc về công nợ tồn đọng;
– Tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện, của các đương sự và người có liên quan khác như: giấy phép, quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp.
– Các tài liệu giao dịch khác (nếu thấy cần thiết);
– Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).
2.2. Thủ tục khởi kiện
– Nguyên đơn nộp đơn khởi kiện và hồ sơ khởi kiện tới Tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc thường trú. Cách thức nộp: Nộp trực tiếp tới tòa án hoặc nộp qua đường bưu điện
– Nguyên đơn nộp tiền tạm ứng án phí và biên lai thu tiền tạm ứng án phí để Tòa án thụ lý vụ án.
– Tòa án xem xét và giải quyết tranh chấp theo thủ tục sơ thẩm.
2.3. Thời hạn giải quyết
– Thời hạn chuẩn bị xét xử là 2 tháng, trong trường hợp đặc biệt thì cộng thêm một tháng tính từ ngày thụ lý vụ án.
– Thời hạn mở phiên tòa: 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2.4. Lệ phí, án phí
– Giá trị tranh chấp từ 40.000.000 đồng trở xuống: 2.000.000 đồng.
– Từ trên 40.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% của giá trị tranh chấp.
– Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng.
– Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng.
– Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng.
– Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 đồng.
Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có liên quan, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong các vụ án kinh tế phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm theo thông báo của Toà án.
Mọi vấn đề cần trao đổi liên quan đến các thông tin trên, xin quý khách vui lòng liên hệ với Văn phòng Luật sư Phụng Việt để được biết thêm chi tiết.
Thông tin liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHỤNG VIỆT
CN1: 43 Hoàng Hoa Thám, P.6, Q. Bình Thạnh, TP.HCM
CN2: 395B Bùi Đình Túy, P.14, Q. Bình Thạnh, TP.HCM
Tel: 028 6673 3096
Hotline: 0973 98 99 88 – 0989 022 851
Website: https://www.luatsu.eu
Email: luatsuphungviet@gmail.com