HỎI – ĐÁP CÁC VẤN ĐỀ VỀ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
1. Nhà đất :
Về Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23.06.2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (phần liên quan đến quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài)
Những nội dung cơ bản
Nghị định số 71/2010/NĐ-CP quy định cụ thể các đối tượng, điều kiện, giấy tờ để người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:
a. Về đối tượng
– Đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở như người Việt Nam trong nước (không hạn chế về số lượng) bao gồm:
+ Người có quốc tịch Việt Nam (bao gồm người mang hộ chiếu Việt Nam và người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam)
+ Người gốc Việt Nam thuộc các diện: người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
– Đối tượng chỉ được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại VN là người có gốc Việt Nam nhưng không thuộc các diện nêu trên và có Giấy miễn thị thực do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
b. Về giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở như sau:
– Đối với người mang hộ chiếu Việt Nam thì hộ chiếu Việt Nam phải còn giá trị kèm theo sổ tạm trú hoặc xác nhận đăng ký tạm trú của công an phường, xã nơi người đó cư trú.
– Đối với công dân Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài thì hộ chiếu nước ngoài phải còn hạn kèm theo giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam và thẻ tạm trú hoặc dấu đóng vào hộ chiếu chứng nhận được tạm trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam.
– Đối với người gốc Việt Nam thuộc diện được sở hữu nhiều nhà ở tại Việt Nam thì hộ chiếu nước ngoài còn hạn kèm theo giấy xác nhận là người gốc Việt Nam, giấy tờ chứng minh thuộc diện được sở hữu nhiều nhà ở (như giấy chứng nhận đầu tư, người có công, nhà văn hoá – khoa học, người có kỹ năng đặc biệt, người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước) và có thẻ tạm trú hoặc dấu đóng vào hộ chiếu chứng nhận được tạm trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam.
– Đối với người gốc Việt Nam thuộc diện chỉ được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam thì hộ chiếu nước ngoài còn hạn kèm theo giấy xác nhận là người gốc Việt Nam, giấy miễn thị thực và thẻ tạm trú hoặc dấu đóng vào hộ chiếu chứng nhận được tạm trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam.
Một số vấn đề cần lưu ý
– Điểm mới của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như người Việt Nam ở trong nước (nhiều nhà ở) đã được mở rộng hơn so với quy định trước đây (Nghị định 81/2001/NĐ-CP, Luật Nhà ở năm 2005 và Nghị định 90/2006/NĐ-CP). Các đối tượng mới được mở rộng là: người có quốc tịch Việt Nam, người có kỹ năng đặc biệt, người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước. Đối tượng người có gốc Việt Nam thuộc diện nhà văn hoá – khoa học cũng có thuận lợi hơn trong việc xác nhận giấy tờ (chỉ cần Thủ trưởng cấp trường đại học, cao đẳng, học viện, viện nghiên cứu mời; trước đây là cấp bộ, UBND tỉnh).
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi sở hữu nhà ở tại Việt Nam có hầu hết các quyền như người Việt Nam ở trong nước (kể cả cho thuê và uỷ quyền quản lý nhà ở, được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở thương mại đối với những khu vực được phép bán nền), nhưng không có quyền bảo lãnh và góp vốn bằng nhà ở.
– Nghị định 71/2010/NĐ-CP không quy định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở mà chỉ quy định giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện người Việt Nam ở nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam. Do vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam ngoài các giấy tờ quy định tại Nghị định 71 còn cần có các giấy tờ, thủ tục quy định tại Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19.10.2009 (xin tham khảo tại Cổng thông tin điện tử của Chính phủ http://www.chinhphu.vn).
HỎI ĐÁP:
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Tôi tên là Khanh Tran, là công dân Hoa Kỳ. Tôi đã ở Mỹ trên 20 năm, nay tôi muốn về Việt Nam mua 1 căn nhà trị giá khoảng 2 tỷ VNĐ để chuẩn bị cho tuổi già. Gia đình chúng tôi là gia đình có công với cách mạng, chúng tôi rời Việt Nam bằng chương trình đoàn tụ gia đình. Vậy tôi cần điều kiện gì để được mua nhà ở Việt Nam?
Trả lời:
Khoản 1, Điều 19, Thông tư số 16/2010/TT-BXD ngày 01/09/2010 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/06/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở trong dự án phát triển nhà ở thương mại tại Việt Nam phải có giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng và đủ điều kiện được sở hữu nhà ở quy định tại Điều 66, Điều 67 của Nghị định 71/2010/NĐ-CP”.
Theo đó, Điều 66, Điều 67 của Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định về các giấy tờ chứng minh người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và giấy tờ chứng minh điều kiện cư trú của người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm:
(i) Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị hoặc giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam theo pháp luật quốc tịch (đối với người có quốc tịch Việt Nam). Hoặc hộ chiếu nước ngoài kèm theo giấy tờ chứng minh là người có gốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp (đối với người không có quốc tịch Việt Nam).
(ii) Sổ tạm trú và giấy tờ xác nhận về việc đăng ký tạm trú tại địa phương (đối với người có hộ chiếu Việt Nam). Hoặc thẻ tạm trú và có dấu chứng nhận tạm trú đóng vào hộ chiếu với thời hạn được tạm trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên (đối với ngưới có hộ chiếu nước ngoài).
Việc xét cấp “Giấy chứng nhận có nguồn gốc Việt Nam” cho người Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp. Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Mỹ (đại sứ quán hoặc lãnh sự quán) để xin cấp.
Để biết thêm thông tin chi tiết bạn có thể vào trang thông tin của Đại sứ quán Việt Nam (http://www.vietnamembassy.us) để tìm hiểu thêm.
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Tôi sắp xuất cảnh theo chồng sang Mỹ, nhưng tôi muốn giữ quốc tịch Việt Nam, vậy tôi có bị xóa tên ra khỏi hộ khẩu không? Hiện tại tôi đứng tên nhà ở Việt Nam, khi tôi đi định cư ở Mỹ tôi có bị buộc phải sang tên cho người khác không?
Trả lời:
Điều 22 Luật cư trú năm 2006 quy định: “Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xoá đăng ký thường trú: a) Chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết; b) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại; c) Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của Luật này; d) Ra nước ngoài để định cư; đ) Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới”. Như vậy, nếu bạn ra nước ngoài định cư thì bạn sẽ bị xóa đăng ký thường trú (không còn tên trong sổ hộ khẩu).
Trường hợp bạn ra nước ngoài định cư thì không bắt buộc phải chuyển nhượng hay tặng nhà ở cho người khác. Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2006 bạn có thể ủy quyền quản lý nhà ở, cho mượn nhà ở hoặc cho ở nhờ nhà ở.
Việc ủy quyền quản lý hay cho mượn, cho ở nhờ nhà ở cần tuân thủ các quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn về điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch; điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở; về trình tự; thủ tục giao dịch về nhà ở (giao dịch phải được lập thành hợp đồng có các nội dung cơ bản có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp xã tùy từng trường hợp).
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Căn nhà nhỏ của gia đình tôi ở Việt Nam với diện tích 4,4 x 19 m hiện nay có 9 người sống chung (mẹ tôi, gia đình 4 người của đứa em gái và gia đình 4 người của đứa em trai) nên rất chật. Còn tôi thì hiện nay đang sống tại CHLB Đức. Tôi muốn cho xây cất lại căn nhà thành 3 tầng lầu…
Dự định phân chia như sau:
1. Tầng trệt thì cho gia đình 4 người của đứa em gái ở
2. Tầng 2 thì cho gia đình 4 người của đứa em trai ở
3. Tầng 3 thì cho vợ chồng tôi khi nào về hưu để tạm trú
Ước mong của vợ chồng tôi là mỗi tầng của mỗi gia đình phải tự quản lý lấy (tự trả chi phí điện, nước và chi phí khác theo nhu cầu của các em tôi). Nếu phải trả chi phí gì đó cho căn nhà này (thí dụ như thuế) thì 3 tầng gia đình phải chia 3 để trả. Cũng như các tầng gia đình không được phép thế chấp, chuyển nhượng hay bán nếu không có sự đồng của 2 tầng gia đình còn lại.
Vợ chồng tôi đều có Visa miễn thị thực 5 năm như luật hiện hành. Tôi kính mong được tòa soạn cho biết tôi phải làm như thế nào cho đúng theo luật pháp đã quy định:
– Tôi có được quyền sở tầng lầu trên không?
– Tương lai về việc thừa kế sẽ ra sao?
Trả lời:
1. Quyền được sở hữu nhà tại Việt Nam
Theo Điều 1 Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ngày 17/08/2007 của Thủ tướng Chính phủ thì những đối tượng được xét cấp giấy miễn thị thực gồm: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam hoặc Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai số 34/2009/QH12 ngày 18/06/2009 của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (sau đây viết tắt là “Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đất đai”) quy định:
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
a) Người có quốc tịch Việt Nam;
b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b nêu trên nhưng được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.
Theo Điều 9, Điều 10 và Điều 12 Luật Nhà ở 2005, chủ sở hữu nhà ở là những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và tạo lập nhà ở hợp pháp thông qua việc đầu tư xây dựng, mua bán, tặng cho, thừa kế, đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nhà ở tại Việt Nam có thể thuộc sở hữu chung hợp nhất hoặc sở hữu chung theo phần.
Áp dụng quy định pháp luật nêu trên đối với trường hợp của bạn, bạn có thể được sở hữu tầng 3 của ngôi nhà nếu bạn được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam 3 tháng trở lên và việc tạo lập nhà ở của bạn là hợp pháp.
2. Việc thừa kế ngôi nhà
a. Điều kiện tài sản trong giao dịch thừa kế:
Theo Điều 91 Luật Nhà ở 2005, nhà ở trong giao dịch thừa kế phải bảo đảm điều kiện:
• Có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở theo quy định của pháp luật;
• Không có tranh chấp về quyền sở hữu;
• Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b. Điều kiện người được nhận tài sản thừa kế:
Theo phân tích tại điểm 1 câu trả lời, bạn là người có quyền được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và theo quy định tại Điều 676 của Bộ Luật Dân sự Việt Nam năm 2005, bạn là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật, do đó sẽ được nhận tài sản thừa kế từ cha, mẹ để lại
******************************************************************************************************************************************
2. Quốc tịch :
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Tôi là Việt kiều Mỹ muốn lấy lại quốc tịch Việt Nam. Tôi đã gửi đơn và các hồ sơ cần thiết tới Đại sứ quán Việt Nam ở Washington, DC vào tháng 10/2009, nhưng đến nay không được tin tức gì từ Đại sứ quán cả…
Vì ở xa Washington, DC, không có điều kiện để tới Đại sứ quán, nên tôi không rõ Đại sứ quán có nhận được đơn và hồ sơ hay không? Hay đã nhận được đơn và đang cứu xét? Xin Tòa soạn cho biết thủ tục và thời hạn giải quyết?
Trả lời:
Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam:
Điều 25 Luật Quốc tịch 2008, Điều 2 Thông tư Liên tịch số 05/2010/TTLT/BTP- BNG-BCA ngày 01/03/2010 hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/09/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch như sau:
• Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nếu cư trú ở nước ngoài thì nộp hồ sơ cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại. Trong trường hợp hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ thì Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ghi vào Sổ thụ lý hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời cấp cho người nộp hồ sơ Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu quy định và phải được đóng dấu treo của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nơi đã tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hướng dẫn cho người xin trở lại quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
• Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thẩm tra và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất về việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam về Bộ Ngoại giao để chuyển đến Bộ Tư pháp.
• Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
• Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người đó để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc là người không quốc tịch.
• Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy xác nhận thôi quốc tịch nước ngoài của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
• Trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam là người không quốc tịch thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
• Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
• Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định của Chủ tịch nước cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp gửi bản sao Quyết định này kèm theo danh sách những người được trở lại quốc tịch Việt Nam cho Bộ Ngoại giao để chuyển cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi đã tiếp nhận hồ sơ.
• Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được bản sao Quyết định, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thông báo bằng văn bản cho người được trở lại quốc tịch Việt Nam, trong đó ghi rõ: số Quyết định, ngày, tháng, năm ban hành Quyết định, nội dung Quyết định.
Như vậy: Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp bạn đang cư trú ở Mỹ, xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì bạn phải nộp hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam tại Cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ bạn sẽ được cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đóng dấu treo của Cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ, nếu hồ sơ không đầy đủ và không hợp lệ thì bạn sẽ được hướng dẫn để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Để biết rõ hơn bạn có thể liên hệ với Cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ.
******************************************************************************************************************************************
3. Hộ chiếu – Visa :
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Tôi có quốc tịch Mỹ, đã được nhà nước Việt Nam chấp thuận cho hồi hương về Việt Nam sống hợp pháp hơn 1 năm nay, đã được nhập hộ khẩu và có giấy chứng minh nhân dân. Hiện nay con tôi sinh ở Việt Nam cũng được tòa đại sứ Mỹ cấp hộ chiếu. Tôi và con tôi hiện có 2 quốc tịch Mỹ và Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn chưa xin cấp hộ chiếu Việt Nam…
Xin hỏi khi tôi muốn đưa con tôi qua Mỹ thì cần những giấy tờ gì? Thủ tục làm ở đâu và mất thời gian bao lâu?
Trả lời:
Đối với thủ tục để xuất cảnh qua Mỹ, bạn và con bạn cần đáp ứng 02 điều kiện sau đây:
1. Có Giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh
Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/08/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (sau đây viết tắt là “Nghị định số 136”) quy định: “Công dân Việt Nam mang giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được xuất cảnh, nhập cảnh về Việt Nam không cần thị thực”.
Theo khoản 1, Điều 4 của Nghị định số 136, những loại giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh gồm: (1) Hộ chiếu quốc gia (hộ chiếu ngoại giao; hộ chiếu công vụ hoặc hộ chiếu phổ thông); (2) Giấy tờ khác (Giấy thông hành biên giới; Giấy thông hành nhập xuất cảnh; Giấy thông hành hồi hương hoặc Giấy thông hành).
Vì bạn chưa có hộ chiếu quốc gia (hộ chiếu Việt Nam) theo qui định trên nên bạn phải làm thủ tục xin cấp hộ chiếu Việt Nam. Thủ tục xin cấp hộ chiếu, được quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 136. Bạn có thể đến trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc nơi đang tạm trú; hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú và đề nghị được nhận kết quả qua đường bưu điện ; hoặc ủy thác cho cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả.
Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu:
a) Đối với trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ, hồ sơ gồm:
• Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu quy định. Đối với trẻ em dưới 14 tuổi thì cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của trẻ em đó khai và ký vào tờ khai; nếu cha hoặc mẹ có nhu cầu cho con dưới 14 tuổi đi cùng hộ chiếu thì khai chung vào tờ khai của mình;
• Bản sao giấy khai sinh của trẻ em dưới 14 tuổi (trong trường hợp đề nghị cấp hộ chiếu cho trẻ em);
Khi nộp hồ sơ phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân của người đề nghị cấp hộ chiếu còn giá trị để đối chiếu.
b) Đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện, hồ sơ gồm:
• Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu quy định, có xác nhận của Trưởng Công an phường, xã nơi đăng ký thường trú;
• Bản chụp giấy chứng minh nhân dân còn giá trị.
Theo khoản 5 Điều 15 Nghị định số 136 đối với trường hợp của bạn cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh sẽ trả kết quả trong thời hạn không quá 8 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
2. Được cơ quan lãnh sự Hoa Kỳ cấp thị thực (visa) nhập cảnh vào Hoa Kỳ
Nếu muốn nhập cảnh vào Hoa Kỳ, bạn phải thực hiện thủ tục xin thị thực nhập cảnh tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam (Phòng Lãnh sự).
Để biết chi tiết thủ tục xin thị thực nhập cảnh vào Hoa Kỳ bạn có thể liên hệ với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam hoặc vào trang thông tin điện tử của Đại sứ quán:
http://photos.state.gov/libraries/hochiminh/174995/iv-forms/IV-Instructi… để tham khảo.
Thời gian giải quyết hồ sơ phụ thuộc vào tình trạng của từng hồ sơ cụ thể. Thời gian giải quyết tại từng Văn phòng Sở Di Trú và từng Văn phòng Lãnh sự cũng khác nhau. Trong một số trường hợp, hồ sơ bị trì hoãn do đương đơn không theo đúng hướng dẫn hay chưa cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Một số trường hợp khác thì hồ sơ phải cần đợi hoàn tất các thủ tục hành chính.
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Em đang định cư ở Mỹ (chưa vào quốc tịch Mỹ). Hộ chiếu VN của em sẽ hết hạn vào tháng 12 này, cũng là thời gian em về VN chơi tết, do đó em phải dùng visa để nhập cảnh…
Xin hỏi:
1. Em định về VN sẽ xin cấp lại hộ chiếu đã hết hạn có được không?
2. Nếu em được cấp lại hộ chiếu, em có thể dùng hộ chiếu mới đó để xuất cảnh được không hay là phải dùng visa em mới làm để xuất cảnh?
3. Em vẫn còn CMND và hộ khẩu VN, em muốn thi bằng lái xe A1 có được không? Nếu được thì thủ tục ra sao?
Trả lời:
1. Thủ tục cấp lại hộ chiếu đã hết hạn:
Điểm b Mục I.1 Thông tư số 27/2007/TT-BCA (A11) của Bộ Công An ban hành ngày 29/11/2007 hướng dẫn về việc cấp, sửa đổi hộ chiếu phổ thông ở trong nước theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xuẩt nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định, hộ chiếu được cấp lại khi hộ chiếu bị mất; bị hư hỏng; còn thời hạn dưới 30 ngày hoặc đã hết thời hạn; tách trẻ em trong hộ chiếu của mẹ hoặc cha.
Thủ tục trên được thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh nơi thường trú hoặc tạm trú. Nếu bạn trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả thì phải mang chứng minh thư đi để đối chiếu.
Hồ sơ gồm: 01 tờ khai theo mẫu quy định (bạn có thể tải mẫu tờ khai trên trang điện tửhttp://viet.vietnamembassy.us/lanhsu/); 04 ảnh mới chụp, cỡ 4×6 cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, phông nền màu trắng. Bạn lưu ý, trường hợp hộ chiếu của bạn còn thời hạn dưới 30 ngày thì bạn phải nộp lại hộ chiếu đó cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
2. Giấy tờ sử dụng để xuất cảnh:
Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/08/2007 về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định “Các giấy tờ sau đây cấp cho công dân Việt Nam để xuất cảnh, nhập cảnh: a) Hộ chiếu quốc gia, bao gồm:- Hộ chiếu ngoại giao; – Hộ chiếu công vụ; – Hộ chiếu phổ thông…”. Vì vậy, bạn có thể sử dụng hộ chiếu mới để xuất cảnh.
3. Thủ tục thi lấy bằng lái xe A1:
Khoản 3 và Khoản 9 Điều 61 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định “Người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3, A4, B1 phải được đào tạo; Người đã qua đào tạo và đạt kết quả kỳ sát hạch được cấp giấy phép lái xe đúng hạng đã trúng tuyển”.
Theo Điều 8 Thông tư số 07/2009/TT-BGTVT ban hành 19/06/2009 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (Thông tư 07), điều kiện đối với người học lái xe hạng A1: “1. Công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam. 2. Đủ tuổi, sức khoẻ, trình độ văn hóa theo quy định.”. Đồng thời, Khoản 1 Điều 9 của Thông tư này cũng quy định “1. Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3, A4, B1 phải được đào tạo; được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải đăng ký đào tạo tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo để được ôn luyện, kiểm tra”.
Như vậy, theo các quy định trên bạn có thể thi bằng lái xe A1. Trước tiên, bạn cần đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo lái xe. Hồ sơ đăng ký học thông thường gồm: Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định (tại Phụ lục 13 của Thông tư 07); Bản photocopy giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn; Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.
******************************************************************************************************************************************
4. Hồi hương :
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Năm 1994 tôi cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ. Đến năm 1998 tôi phạm tội tàng trữ ma tuý, bị kết án tù và nhận lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ…
Nhưng tại thời điểm đó, phía VN không nhận lại người đã xuất cảnh ra nước ngoài, tôi bị giam tại nhà tù cho đến năm 2005 mãn hạn tù thì tiếp tục bị Sở Di trú giam giữ thêm 6 tháng, sau đó được trả tự do, được Sở Di trú cấp giấy đi làm và trình diện Sở Di trú 03 tháng 01 lần nhưng vẫn chưa thể xin lại thẻ xanh, không được phép rời khỏi Hoa Kỳ.
Đầu năm 2008, Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết hiệp định trục xuất những người đã từng phạm tội, định cư trái phép… hồi hương nhưng mốc thời gian là từ năm 1995 trở về sau, tôi qua Mỹ năm 1994 nên vẫn không bị ảnh hưởng bởi hiệp định này. Tôi vẫn được ở lại Hoa Kỳ. Nhưng nay tôi muốn về lại Việt Nam sinh sống, vậy tôi có quyền làm thủ tục hồi hương tự nguyện không? Nếu được thì tiến trình thủ tục như thế nào? (Passport cũ của tôi do Việt Nam cấp đã hết hạn năm 2006).
Rất mong nhận được giải đáp. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 875/TTg ngày 21/11/1996 về việc giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương về Việt Nam (“Quyết định số 875/TTg”), mục I Thông tư liên tịch số 06/TT-LT của Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao ngày 29/01/1997 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 875/TTg ngày 21/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ (“Thông tư liên tịch số 06/TT-LT”), điểm 1 Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BCA-BNG của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao ngày 28/11/2005 về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 06/TT-LT của Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao ngày 29/01/1997 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 875/TTg ngày 21/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ (“Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BCA-BNG”), thì công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài xin hồi hương về Việt Nam phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1. Điều kiện xin hồi hương:
a. Có Quốc tịch Việt Nam và mang hộ chiếu Việt Nam; nếu có quốc tịch Việt Nam, đồng thời mang hộ chiếu nước ngoài thì phải có xác nhận đã đăng ký công dân tại một cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Điều kiện “Có quốc tịch Việt Nam” gồm hai trường hợp sau:
– Mang hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị do Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.
– Nếu không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị, thì phải có một trong các giấy tờ sau:
+ Giấy xác nhận đăng ký công dân do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp;
+ Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.
b. Thái độ chính trị rõ ràng: Hiện tại không tham gia hoặc ủng hộ các tổ chức chống phá Tổ quốc, không có hành động chống đối Chính phủ Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;
c. Có khả năng bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam sau khi hồi hương, bao gồm:
– Đảm bảo có nơi ở hợp pháp: người xin hồi hương phải có bằng chứng và ghi rõ trong đơn xin hồi hương về khả năng tài chính để mua nhà ở sau khi hồi hương, hoặc được thân nhân (người bảo lãnh) ghi rõ trong giấy bảo lãnh về việc đảm bảo chỗ ở sau khi hồi hương.
– Có khả năng duy trì cuộc sống sau khi hồi hương: người xin hồi hương phải có bằng chứng và ghi rõ trong đơn xin hồi hương về nguồn sống hoặc dự định về việc tìm kiếm việc làm sau khi hồi hương hoặc được thân nhân (người bảo lãnh) ghi rõ trong giấy bảo lãnh về việc đảm bảo cung cấp tài chính, nuôi dưỡng sau khi hồi hương.
d. Có một cơ quan hoặc thân nhân ở Việt Nam bảo lãnh:
– Cơ quan cấp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo lãnh đối với trường hợp xin hồi hương để tham gia xây dựng đất nước như: có vốn đầu tư, chấp nhận việc sử dụng trình độ học vấn hoặc tay nghề cao tại một cơ sở thuộc ngành hoặc địa phương,…
– Thân nhân đủ 18 tuổi có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam (cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em và người trong dòng tộc) bảo lãnh đối với các trường hợp xin hồi hương vì mục đích đoàn tụ gia đình và nhân đạo như: bảo đảm về nơi ăn ở, việc làm (nếu còn sức lao động), nơi nương tựa (nếu tuổi già sức yếu),…
Căn cứ theo các quy định nêu trên, để được hồi hương, bạn phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu tại điểm a, b, c, d nói trên.
2. Thủ tục hồi hương
Theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 875/TTg, mục II Thông tư liên tịch số 06/TT-LT, điểm 2 Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BCA-BNG, bạn cần lập 02 bộ hồ sơ xin hồi hương, mỗi bộ gồm:
a. Đơn xin hồi hương (theo mẫu).
b. Bản chụp hộ chiếu, các giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam và giấy tờ chứng minh được nước ngoài cho định cư, như giấy tờ cho phép cư trú vô thời hạn hoặc cư trú vĩnh viễn hoặc thường trú (dưới đây gọi chung là giấy tờ định cư):
+ Đối với người xin hồi hương mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị:
– Bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu;
– Bản chụp giấy tờ định cư do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
+ Đối với người xin hồi hương mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu nước ngoài còn giá trị:
– Bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu;
– Bản chụp Giấy xác nhận đăng ký công dân do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.
+ Đối với người xin hồi hương không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu của Việt Nam hoặc của nước ngoài như nêu trên:
– Bản chụp giấy tờ định cư do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
– Bản chụp Giấy xác nhận đăng ký công dân do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.
Bản chụp giấy tờ định cư phải do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài xác nhận; bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu, Giấy xác nhận đăng ký công dân, Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam phải do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công chứng hoặc chứng thực.
Trường hợp bạn trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an thì không đòi hỏi nộp bản sao có công chứng, chứng thực, mà cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu với bản chụp, cán bộ đối chiếu phải ghi vào bản chụp đó “đã đối chiếu với bản chính” và ký, ghi rõ họ tên, ngày đối chiếu.
c. 03 ảnh cỡ 4×6 mới chụp, 02 ảnh dán vào đơn xin hồi hương, 01 ảnh ghi rõ họ tên (mặt sau) để phục vụ cho cấp giấy Thông hành (nếu được hồi hương).
d. Giấy tờ khác liên quan đến việc xin hồi hương, cụ thể:
+ Trường hợp bạn được thân nhân bảo lãnh:
– Đơn bảo lãnh của thân nhân (theo mẫu).
– Giấy tờ chứng minh hoặc giải trình về mối quan hệ cùng dòng tộc với người bảo lãnh. Nếu là bản giải trình phải có xác nhận của UBND phường (hoặc xã) nơi người bảo lãnh thường trú.
– Giấy tờ chứng minh về khả năng đảm bảo cuộc sống sau khi hồi hương.
+ Trường hợp bạn được Cơ quan Việt Nam bảo lãnh: Cần có văn bản bảo lãnh (có ký tên, đóng dấu) của thủ trưởng cơ quan bảo lãnh đáp ứng các yêu cầu tại điểm d mục 1 nêu trên.
Hồ sơ xin hồi hương nộp tại một trong hai cơ quan sau:
a. Tại nước ngoài: Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài.
b. Tại Việt Nam: Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Sở công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời hạn giải quyết việc hồi hương: trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Bộ Công an Việt Nam.
Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh – Bộ Công an sẽ thông báo kết quả giải quyết hồ sơ xin hồi hương cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (qua Fax), Bộ Ngoại giao, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với trường hợp nộp hồ sơ xin hồi hương tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Với trường hợp nộp hồ sơ ở trong nước, các cơ quan nói trên sẽ thông báo cho thân nhân (người bảo lãnh) hoặc thông báo cho người hồi hương.
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Tôi dự định hồi hương và sẽ đem về Việt Nam tất cả các tài sản vật dụng sinh hoạt của cá nhân và gia đình, trong đó nổi bật là 01 xe ô tô + 01 xe mô tô…
Xin hỏi:
1. Điều kiện nào đối với xe ô tô và mô tô để được đem vào VN? Xe ô tô và mô tô sau khi nhập khẩu vào VN phải đứng tên tôi hay có thể đứng tên người khác? Nếu bắt buộc phải đứng tên tôi, thì sau khi đã làm hết các thủ tục và xe được lưu thông, tôi có được cho, tặng, bán, cho thuê…. không?
2. Các loại tài sản vật dụng khác như tivi, tủ lạnh, máy giặt… và nữ trang, tiền mặt có phải đứng tên tôi trong giấy mua bán bên nước sở tại không? Nếu tôi mua những tài sản này ở nước khác – không phải nước tôi mang hộ chiếu thì có được đem về VN theo dạng ưu tiên về thuế hay không?
Trả lời:
1. Điều kiện đối với xe ô tô và mô tô qua sử dụng được nhập khẩu vào Việt Nam:
a. Đối với ô tô:
Theo Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31/03/2006 của Liên Bộ Thương mại – Giao thông Vận tải – Tài chính – Công an hướng dẫn việc nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng thì ô tô được nhập khẩu về Việt Nam phải bảo đảm điều kiện là có tay lái bên trái, đã qua sử dụng không quá 05 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu, được đăng ký với thời gian tối thiểu là 06 tháng và đã chạy được một quãng đường tối thiểu là 10.000 (mười nghìn) km tính đến thời điểm ô tô về đến cảng Việt Nam.
b. Đối với mô tô:
Thông tư số 06/2007/TT-BTM ngày 30/05/2007 của Bộ Thương mại hiện nay là Bộ Công Thương hướng dẫn việc nhập khẩu xe gắn máy phân khối lớn từ 175m3 trở lên, tại điểm 5 Mục I quy định: “Cấm nhập khẩu mô tô các loại đã qua sử dụng”. Như vậy, nếu chiếc mô tô mà bạn nêu có phân khối từ 175m3 trở lên có thể sẽ không được nhập khẩu về Việt Nam.
Trong trường hợp, mô tô của bạn dưới 175m3 thì sẽ được nhập khẩu về Việt Nam nhưng phải bảo đảm điều kiện: chiếc xe đó được sản xuất trong thời hạn tối đa là 03 năm tính đến thời điểm nhập khẩu (theo điểm 2.2, Mục I Thông tư số 16/2008/TT- BTC ngày 13 tháng 02 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe gắn máy hai bánh không nhằm mục đích thương mại).
2. Đăng kí quyền sở hữu đối với ô tô và mô tô:
Điều 43 Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/06/2001 của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 42/2005/QH11 ngày 14/06/2005 quy định: “Cá nhân, gia đình, tổ chức có tài sản di chuyển phải có giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản đó, trừ đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt bình thường”.
Như vậy, khi được nhập khẩu vào Việt Nam, bạn phải tiến hành đăng kí quyền sở hữu đối với ô tô và mô tô theo giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản đó tại nước ngoài.
Sau khi hoàn tất thủ tục đăng kí quyền sở hữu đối với ô tô và mô tô tại Việt Nam, bạn hoàn toàn có quyền cho, tặng, bán, cho thuê…. những tài sản này (theo Điều 164, 165 Bộ Luật Dân sự năm 2005 của Nước CHXHCN Việt Nam).
3. Điều kiện nhập khẩu đối với các loại tài sản khác:
Theo quy định tại Điều 43 của Luật Hải quan nêu trên thì đối với tài sản di chuyển là đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt bình thường như tivi, tủ lạnh, máy giặt… không nhất thiết phải có giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản đó khi nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên đối với tài sản là nữ trang, tiền mặt, bạn phải tuân thủ theo quy định sau:
Đối với nữ trang là vàng:
Theo Khoản 1, Điều 3 Quyết định số 1165/2001/QĐ-NHNN ngày 12/09/2001 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc mang vàng của cá nhân khi xuất, nhập cảnh thì: số lượng vàng cho phép được “xách tay” khi vào cửa khẩu Việt Nam là 1kg (một kilogram) vàng tiêu chuẩn quốc tế và phải khai báo hải quan. Nếu mang vượt quá 1kg (một kilogam) phải làm thủ tục gửi lại kho Hải quan phần vượt quá để mang ra khi xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh.
Cá nhân nhập cảnh mang theo vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng miếng, vàng nguyên liệu với tổng khối lượng từ 300gr (ba trăm gam) trở lên phải khai báo Hải quan. Nếu mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu có tổng khối lượng vượt quá 1kg (một kilogam) trở lên phải làm thủ tục gửi tại kho Hải quan phần vượt quá để mang ra khi xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và chịu mọi chi phí liên quan phát sinh (khoản 2 – Điều 4 – Quyết định số 1165/2001/QĐ-NHNN).
Đối với tài sản là tiền mặt:
Theo Khoản 2, Điều 36 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/02/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan thì:
– Người xuất cảnh, nhập cảnh có mang theo số ngoại tệ tiền mặt (bao gồm tiền giấy, tiền xu và séc du lịch), đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước thì phải khai hải quan tại cửa khẩu;
– Người xuất cảnh có mang theo số ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam bằng tiền mặt vượt mức quy định hoặc vượt số ngoại tệ đã khai hải quan khi nhập cảnh thì phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước;
– Người xuất cảnh có mang theo số ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam bằng tiền mặt vượt mức quy định nhưng không vượt quá số ngoại tệ đã khai hải quan khi nhập cảnh thì phải xuất trình tờ khai hải quan khi nhập cảnh mà không cần phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.
4. Vấn đề ưu tiên thuế nhập khẩu:
Khoản 2, Điều 100, Mục 2 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/04/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định: hàng hóa là tài sản di chuyển của gia đình, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài được phép về Việt Nam định cư được miễn thuế. Văn bản này không quy định về nguồn gốc xuất xứ của tài sản là điều kiện để được miễn thuế, do vậy trường hợp bạn mua những tài sản này ở nước khác – không phải nước mang hộ chiếu thì vẫn có thể được miễn thuế nhập khẩu vào Việt Nam.
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Tôi là người Việt Nam đang sống ở Mỹ, muốn gửi một chiếc xe Chrysler về Việt Nam. Xe có động cơ 2.7, có giá là 18.000 USD. Xin hỏi tổng cộng tiền thuế là bao nhiêu?
Trả lời:
Theo quy định pháp luật thuế hiện hành, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam phải chịu ba (03) sắc thuế: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Do thông tin câu hỏi đưa ra không nêu chiếc xe là mới hay cũ nên chúng tôi phải nêu mức thuế nhập khẩu theo 02 trường hợp sau:
1. Trường hợp ô tô nhập khẩu là ô tô mới:
1.1. Thuế nhập khẩu:
Tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư 31/2010/TT-BTC ngày 09/03/2010 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng qui định tại Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12/11/2009 của Bộ Tài chính quy định mức thuế suất áp dụng cho xe chở người có dung tích xi lanh trên 2500cc nhưng không quá 3000cc (mã 8703.33.51) là 83%.
Căn cứ khoản 1 Điều 94 Thông tư 79/2009/TT-BTC ngày 20/04/2009 của Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu đối với ô tô sẽ được xác định như sau:
Số thuế nhập khẩu phải nộp = Giá tính thuế nhập khẩu x Thuế xuất nhập khẩu = 18.000 x 83% = 14.940 USD
1.2. Thuế tiêu thụ đặc biệt:
Tại Điều 7 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 của Quốc Hội ban hành quy định thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với xe có dung tích xi lanh từ 2000cc đến 3000cc là 50%.
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Thông tư 64/2009/TT-BTC quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định 26/2009/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau:
Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp = (Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu) x Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt = (18.000 + 14.940 ) x 50% = 16.470 USD
1.3. Thuế giá trị gia tăng:
Tại khoản 3 Điều 8 Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 của Quốc hội ban hành quy định mức thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với ô tô là 10%.
Tại điểm 1.2 mục I Phần B Thông tư 129/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 123/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng, thuế giá trị gia tăng được xác định như sau:
Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = (Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt) x thuế xuất thuế giá trị gia tăng = (18.000 + 14.940 + 16.470 ) x 10% = 4.941 USD
Như vậy, tổng số thuế bạn phải nộp tại điểm 1.1, 1.2, 1.3
nêu trên đối với chiếc xe là: 36.351 USD.
2. Trường hợp ô tô nhập khẩu là ô tô cũ:
2.1. Thuế nhập khẩu:
Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 216/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính và Quyết định 23/2008/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mức thuế tuyệt đối đối với ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu, quy định loại xe dưới năm (05) chỗ trở xuống, có dung tích xi lanh từ 2.500cc đến 3.000cc phải chịu mức thuế nhập khẩu tuyệt đối là 18.000 USD.
2.2. Thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng:
Nguyên tắc tính thuế các khoản thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng tương tự như đã nêu tại các điểm 1.2 và 1.3 Mục 1 ở trên.
Lưu ý:
(i) Theo quy định tại điểm 1 Mục I Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA của Liên Bộ Thương mại, Giao thông vận tải, Tài chính, Công an hướng dẫn cụ thể việc nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP, ô tô thỏa mãn những điều kiện sau đây thì được nhập khẩu:
Đăng ký tối thiểu 6 tháng tính đến thời điểm ô tô về đến cảng Việt Nam;
Chạy một quãng đường tối thiểu 10.000 km.
(ii) Chỉ áp dụng giá tính thuế là 18.000 USD trong trường hợp bạn có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Trường hợp không có hóa đơn, chứng từ hoặc hóa đơn chứng từ không hợp lệ, cơ quan Hải quan sẽ tiến hành xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu theo nguyên tắc theo quy định tại Thông tư 40/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính về trị giá hải quan.
Bạn nên liên hệ với cơ quan Hải quan Việt Nam để biết thêm thông tin chi tiết.
******************************************************************************************************************************************
5. Kết hôn – ly hôn :
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Tôi đã định cư và có thẻ Thường Trú Nhân tại Mỹ được 6 tháng, nhưng vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam. Trong tháng 9 này tôi sẽ về và kết hôn với bạn gái của tôi…
Bạn gái tôi có hộ khẩu và CMND tại Thành phố Cà Mau nhưng đã đăng ký KT3 tại quận 11-TPHCM được 7 năm, hiện đang thuê nhà và có đăng ký tạm trú tại phường 7-Quận Phú Nhuận được khoảng hơn 1 năm. Trước khi sang Mỹ tôi cũng thường trú tại phường 7-Quận Phú Nhuận.
Xin hỏi:
1. Tôi có thể xin đăng ký kết hôn với bạn gái ở Phường 7-Quận Phú Nhuận không? Nếu không được thì tôi có thể đăng ký kết hôn với bạn gái ở Quận 11 không?
2. Bạn gái của tôi có thể xin giấy chứng nhận độc thân và khám sức khỏe ở Phường 7-quận Phú Nhuận hay Quận 11?
3. Hộ chiếu của tôi sẽ hết hạn vào ngày 14/11/2011, nhân chuyến về Việt Nam lần này tôi có thể xin gia hạn hay xin cấp mới hộ chiếu không?
Xin cảm ơn!
Trả lời:
1. Thẩm quyền đăng kí kết hôn có yếu tố nước ngoài
Khoản 1, Điều 12, của Nghị định 68/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/07/2002 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 69/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/07/2006 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi tắt là Nghị định 68) quy định: “Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Trong trường hợp công dân Việt Nam không có hoặc chưa có hộ khẩu thường trú, nhưng đã đăng ký tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật về hộ khẩu thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tạm trú có thời hạn của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký việc kết hôn giữa người đó với người nước ngoài”.
Và theo Mục I, điểm 4 của Thông tư số 07/2002/TT-BTP của Bộ Tư Pháp ngày 16/12/2002 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị Định số 68/2002/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư 07): “Sở Tư Pháp có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ (trừ hồ sơ xin nhận con nuôi do cơ quan con nuôi quốc tế tiếp nhận), thu lệ phí, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ, đề xuất ý kiến trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể khác theo quy định của Nghị định”.
Áp dụng các quy định pháp luật nêu trên đối với trường hợp của bạn, bạn gái của bạn đăng ký thường trú (có hộ khẩu) tại thành phố Cà Mau. Do vậy, hai bạn phải đến Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau để thực hiện thủ tục đăng kí kết hôn (ĐKKH).
2. Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Giấy xác nhận của tổ chức y tế
Khoản 1 Điều 13 Nghị định 68 quy định trong hồ sơ ĐKKH phải có: Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng. Và Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
Cơ quan có thẩm quyền của nhà nước xác nhận về tình trạng hôn nhân của Việt Nam theo Khoản 1, 2, 3 Điều 66 Nghị định 58/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2005 về quản lý và đăng ký hộ tịch là:
+ Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đó;
+ Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian ở trong nước, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó cư trú trước khi xuất cảnh, thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;
+ Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian ở nước ngoài, thì Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam ở nước mà người đó cư trú, thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Theo các quy định nêu trên, bạn gái của bạn có thể xin cấp Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân tại phường 7 – quận Phú Nhuận – TP.HCM hoặc tại UBND cấp xã theo địa chỉ đăng ký thường trú, tuỳ theo sự lựa chọn của bạn gái của bạn.
Căn cứ vào Điều 2 quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Y tế tại Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 22/2010/NĐ-CP ngày 09/03/2010 của Chính phủ thì các tổ chức y tế được thành lập và hoạt động dưới sự cho phép của Bộ Y tế sẽ có thẩm quyền xác nhận về tình trạng sức khoẻ của bạn gái bạn trước khi thực hiện thủ tục kết hôn.
3. Xin gia hạn hay cấp hộ chiếu mới?
Điểm a Khoản 2 điều 4 Nghị định 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/08/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định: Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được gia hạn một lần, tối đa không quá 3 năm. Việc gia hạn phải thực hiện trước khi hộ chiếu hết hạn ít nhất 30 ngày. Và hộ chiếu phổ thông có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.
Như vậy, nếu bạn có hộ chiếu phổ thông, khi hết hạn, bạn phải làm thủ tục cấp mới mà không được gia hạn.
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Tôi là công dân Mỹ. Cách đây 3 năm tôi về Sài Gòn cưới vợ. Chúng tôi đã làm thủ tục đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới. Sau đó tôi trở về Mỹ. Trong thời gian 3 năm, tôi hiểu được là tôi không thể tiếp tục với vợ tôi, và tôi muốn ly hôn…
Nhưng cô ấy không đồng ý ký đơn ly hôn. Vậy tôi cần phải làm gì? Rất mong sự giúp đỡ của quý báo.
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 14 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000 (Luật HNGĐ), quan hệ hôn nhân của vợ chồng bạn là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Điều 104 Luật HNGĐ quy định: “Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam được giải quyết theo quy định của Luật HNGĐ. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì theo pháp luật Việt Nam”.
Áp dụng quy định nêu trên với trường hợp của bạn, vợ chồng bạn có thể làm thủ tục xin ly hôn theo pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật của nước nơi thường trú chung của hai vợ chồng.
Căn cứ vào Điều 102 Luật HNGĐ và Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam năm 2004, cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn này là Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi vợ bạn cư trú.
Nếu muốn ly hôn, bạn phải nộp đơn yêu cầu ly hôn tại Toà án, sau khi thụ lý đơn Toà án sẽ tiến hành hoà giải (Điều 87, Điều 88 Luật HNGĐ). Trong trường hợp hoà giải không thành, Toà án sẽ xem xét các căn cứ cho ly hôn quy định tại Điều 89 Luật HNGĐ “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” để giải quyết việc ly hôn.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 85 Luật HNGĐ: Trong trường hợp vợ bạn có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì bạn không có quyền yêu cầu xin ly hôn.
Về việc xuất cảnh ra nước ngoài đối với kiều bào hồi hương
Tôi hiện ở bang California, thành phố San Francisco, Mỹ. Tôi dự định hồi hương về sinh sống ở TPHCM. Khi tôi đã được phép hồi hương hợp pháp thì tôi có thể trở ra nước ngoài để thăm con cháu không?…
******************************************************************************************************************************************
*Hỏi: Tôi hiện ở bang California, thành phố San Francisco, Mỹ. Tôi dự định hồi hương về sinh sống ở TPHCM. Tôi có hộ chiếu của Mỹ và hộ chiếu của Việt Nam còn giá trị sử dụng, nhưng vợ tôi chỉ có hộ chiếu Việt Nam, không có hộ chiếu Mỹ vì chưa nhập quốc tịch Mỹ.
Xin hỏi:
1. Khi tôi đã được phép hồi hương hợp pháp thì tôi có thể trở ra nước ngoài để thăm con cháu không?
2. Nếu được phép trở về Mỹ để thăm con cháu thì có bị giới hạn về thời gian không và có cần phải xin phép cơ quan nào không hay chỉ cần mua vé là có thể đi được?
Trả lời:
Khi bạn đã được phép hồi hương về Việt Nam thì việc xuất cảnh ra nước ngoài sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 2, Điều 4 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, để xuất cảnh ra nước ngoài bạn cần có hộ chiếu Việt Nam và không thuộc các trường hợp chưa được xuất cảnh theo quy định tại Điều 21 Nghị định này. Cụ thể:
– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
– Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
– Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
– Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
– Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.
– Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
– Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.
Thời gian xuất cảnh sẽ phụ thuộc vào thời gian quy định trong visa (hay còn gọi là thị thực nhập cảnh) do nước nơi bạn nhập cảnh cấp.
******************************************************************************************************************************************
5. Tạm trú – Thường trú :
******************************************************************************************************************************************
Giải đáp về thời hạn cư trú tại Việt Nam đối với NVNONN
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Tôi là Việt kiều Pháp, có hộ chiếu duy nhất là hộ chiếu Việt Nam do Đại sứ quán VN tại Paris cấp. Tôi cũng có giấy thường trú (carte de resident) 10 năm, và đã gia hạn nhiều lần.
Tôi từng về VN nhiều lần nhưng vì phải đi làm và con cái đi học, mỗi lần về chỉ ở VN vài tuần lễ. Trong những năm sau này tôi không còn cần xin visa để vào và ra VN như trước kia nữa.
Nay tôi mới về hưu, vì nhiều lý do phức tạp tôi chưa thể về ở hẳn VN nhưng muốn về VN lâu dài hơn – hai ba tháng hay nửa năm thay vì đi đi về về nhiều lần để đỡ tiền máy bay.
Vậy xin hỏi:
1. Thời gian dài nhất tôi có thể ở VN là bao nhiêu, nếu tôi không làm thủ thục xin hồi hương?
2. Hiện tại tôi không có hộ khẩu ở VN, nếu tôi thuê nhà để ở vài tháng mỗi năm, thì vấn đề hộ khẩu sẽ như thế nào? Nếu cần thì thủ tục làm sao?
3. Tôi chưa tới 60 tuổi, nếu tôi chỉ ở vài tháng trong một năm ở VN, tôi có được phép kiếm việc để đi làm không?
Trả lời:
1. Thời hạn cư trú ở Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài:
Theo Khoản 3, Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành (năm 2008) thì một trong những giấy tờ chứng minh người có quốc tịch Việt Nam là hộ chiếu Việt Nam. Nếu bạn có hộ chiếu duy nhất là hộ chiếu Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Paris cấp vẫn còn hiệu lực thì bạn đương nhiên là công dân Việt Nam. Bởi vì, khoản 1 Điều 5 Luật Quốc tịch quy định: “Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam”.
Khi đã là công dân Việt Nam, theo quy định tại Điều 48 của Bộ Luật Dân sự Việt Nam hiện hành (năm 2005), bạn có quyền tự do đi lại, tự do cư trú, không bị giới hạn về thời hạn cư trú tại Việt Nam.
Nếu bạn có hộ chiếu Việt Nam nhưng đã hết hiệu lực, khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam bạn phải sử dụng giấy tờ thường trú do Pháp cấp để thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy miễn thị thực theo quy định tại Điều 4 của Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ngày 17/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg). Và trong trường hợp này, căn cứ Điều 6 của Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg bạn được tạm trú tại Việt Nam không quá 90 ngày cho mỗi lần nhập cảnh. Nếu bạn tạm trú quá 90 ngày phải làm thủ tục xin cấp thị thực theo quy định hiện hành trước hoặc sau khi nhập cảnh Việt Nam.
2. Việc thuê nhà ở và đăng kí cưu trú tại Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài:
Theo quy định tại Điều 3 của Luật Cư trú hiện hành (năm 2006): “Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú”. Như vậy, nếu bạn thuê nhà ở vài tháng mỗi năm, bạn phải thực hiện thủ tục đăng kí tạm trú như sau:
Theo Điều 4 Nghị định 107/2007/NĐ-CP ngày 25/06/2007 của Chính phủ hướng dẫn Luật Cư trú và Mục III Thông tư 06/2007/TT-BCA ngày 01/01/2007 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số Điều của Luật Cư trú quy định trình tự, thủ tục đăng ký tạm trú, hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:
o Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký tạm trú của người cho thuê (việc này Bên cho thuê nhà phải cùng bạn thực hiện);
o Hợp đồng thuê nhà (nếu Hợp đồng thuê nhà từ 6 tháng trở lên phải có công chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân địa phương nơi có nhà thuê).
Nơi nộp và thời gian thực hiện:
o Hồ sơ nộp tại Công an địa phương nơi bạn đăng ký tạm trú.
o Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Công an địa phương sẽ cấp sổ tạm trú cho bạn.
3. Làm việc tại Việt Nam:
Theo Điều 3, Điều 124 của Bộ Luật lao động Việt Nam hiện hành (năm 1994 được sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006) bạn được tìm kiếm và làm việc tại Việt Nam trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động trong thời hạn tạm trú tại Việt Nam
Chồng là người Mỹ muốn về thường trú tại VN, làm thế nào?
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Tôi là người Việt Nam, hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Chồng tôi là người Mỹ, chúng tôi vừa cưới nhau được vài tháng. Nay chồng tôi muốn thường trú tại Việt Nam…
Xin tư vấn cho chúng tôi là những giấy tờ cần thiết nào, những thủ tục nào chồng tôi phải thực hiện ở Mỹ cũng như ở Việt Nam, để có thể về Việt Nam sinh sống và thường trú trong một thời gian dài.
Trả lời:
1. Nếu chồng bạn muốn thường trú tại Việt Nam thì anh ta phải thực hiện thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam để trở thành công dân Việt Nam.
Theo quy định tại khoản 1, 2 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998: Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang cư trú ở Việt Nam, tự nguyện tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, có thể được vào quốc tịch Việt Nam, nếu có những điều kiện sau đây:
– Từ 18 tuổi trở lên;
– Biết tiếng Việt;
– Đã cư trú ở Việt Nam ít nhất 5 năm.
Trong trường hợp có lý do chính đáng, công dân nước ngoài và người không quốc tịch có thể được vào quốc tịch Việt Nam mà không đòi hỏi có đầy đủ ba điều kiện nêu trên.
“Lý do chính đáng” là cơ sở miễn giảm điều kiện xin nhập quốc tịch Việt Nam trong trường hợp: có chồng, vợ, cha, mẹ hoặc con là công dân Việt Nam…(Nghị định 104/1998/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 31/12/1998 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 55/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/10/2000).
Như vậy, chồng bạn có thể làm thủ tục nhập quốc tịch và thường trú tại Việt Nam theo quy định tại Điều 8 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 và Điều 21 của Luật Cư trú số 81/2006/QH11 của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam ngày 29/11/2006
******************************************************************************************************************************************
6. Đầu tư – kinh doanh :
Người Việt Nam qua Mỹ định cư cần làm những thủ tục gì để có thể điều hành công việc kinh doanh ở Việt Nam?
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Hai vợ chồng tôi là công dân VN, hiện đang kinh doanh và có nhà cửa, con cái đang sinh sống trên đất nước. Chúng tôi được một người con bảo lãnh qua Mỹ định cư. Vì vậy, tôi định qua tìm hướng để về kinh doanh tại VN hai vợ chồng tôi sẽ thay nhau về VN điều hành công việc kinh doanh này. Tôi sẽ đứng tên giao dịch pháp lý, có được không? Có cần uỷ quyền lại cho con tôi đứng tên điều hành hay không?
Xin cho biết tôi phải làm gì để thuận tiện và đúng với pháp luật? Xin hướng dẫn những bước sắp xếp để hoàn thành thủ tục, để đi qua nhanh và về nhanh, có thể tiếp tục điều hành công việc giữa hai bên?
Trả lời:
Do có nhu cầu kinh doanh tại Việt Nam, vợ chồng ông (bà) vẫn có thể trực tiếp tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam khi qua Mỹ định cư, nếu như ông (bà) bảo đảm được điều kiện khi vắng mặt trên ba mươi ngày ở Việt Nam thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác để thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hay cơ sở kinh doanh (Điều 46, 67, 96 Luật Doanh nghiệp). Việc uỷ quyền này phải được lập thành văn bản và thông báo với Cơ quan Đăng ký Kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Nếu điều kiện trên đây không phù hợp với hoạt động kinh doanh của ông (bà), thì ông (bà) có thể cho con đứng tên là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc cơ sở kinh doanh, và ông (bà) sẽ là người quyết định mọi vấn đề nội bộ của doanh nghiệp hay cơ sở kinh doanh với chức danh như: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên… tương ứng với loại hình doanh nghiệp của ông (bà). Việc để con của ông (bà) là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải được thực hiện thủ tục đăng ký tại Cơ quan Đăng ký Kinh doanh theo quy định của pháp luật
******************************************************************************************************************************************
7. Thuế thu nhập :
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Tôi là Việt kiều Mỹ đã về hưu, dự định sẽ hồi hương về Việt Nam. Xin cho biết tôi có phải đóng thuế thu nhập do tiền lãnh hưu bổng của cơ quan an ninh xã hội Mỹ cấp cho tôi không?
Trả lời:
Theo Điều 3 Luật Thuế Thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ngày 21/11/2007 và Nghị định số 100/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8/9/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực vào ngày 01/01/2009, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm: các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động, các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả, trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội”.
Áp dụng quy định pháp luật trên đây với trường hợp của ông (bà) nêu trên đây, khoản tiền hưu bổng của cơ quan an ninh xã hội Mỹ cấp cho ông (bà) không phải là đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân theo luật pháp Việt Nam.
Việt kiều về VN làm việc nếu đã đóng thuế thu nhập ở nước ngoài thì có phải đóng tại VN nữa không?
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Tôi là Việt kiều Mỹ về làm đại diện văn phòng tại VN. Thời gian có mặt tại VN là 10-11 tháng/ năm. Tôi được hãng trả tiền bên Mỹ và đã khai thuế thu nhập hàng năm ở bên Mỹ. Vậy tôi có phải khai thuế thu nhập tại VN không? Nếu phải đóng thuế thì có được trừ số thuế đã nộp bên Mỹ không?
Trả lời:
Thuế thu nhập thường xuyên của người nước ngoài được kê khai quyết toán theo tiêu thức cư trú. Các cá nhân có trách nhiệm kê khai chính xác số ngày có mặt tại Việt Nam, thu nhập chịu thuế để tính thời gian cư trú và tính thu nhập phải nộp tại Việt Nam.
Với người nước ngoài là đối tượng cư trú tại Việt Nam, việc xác định số thuế phải nộp thực hiện theo Thông tư số 81/2004/TT-BTC (13/8/2004) hướng dẫn thi hành Nghị định số 147/2004/NĐ-CP(23/7/2004). Cụ thể là kê khai tổng số thu nhập phát sinh tại VN và thu nhập phát sinh ngoài VN trong năm tính thuế để tính thu nhập bình quân tháng và quyết toán số thuế phải nộp theo quy định tại Mục II Thông tư này.
Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam từ 30 ngày đến 182 ngày trong năm tính thuế: kê khai tổng số thu nhập phát sinh tại Việt Nam và quyết toán số thuế phải nộp theo thuế suất thống nhất 10%. Trường hợp do tính chất công việc mà thường xuyên ra vào công tác tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ 2 năm trở lên nếu tổng số ngày có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế, thì biểu thuế được tính như của đối tượng cư trú và tính số thuế phải nộp theo số tháng ở Việt Nam, tháng được tính là 30 ngày.
Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế: kê khai tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam và thu nhập phát sinh ngoài Việt Nam trong năm tính thuế chia cho 12 tháng để tính thu nhập bình quân tháng. Căn cứ thu nhập chịu thuế bình quân tháng và biểu thuế áp dụng đối với người nước ngoài tính số thuế phải nộp cả năm, đối chiếu với số đã nộp hàng tháng, xác định số thuế còn thiếu phải nộp thêm (hoặc số nộp thừa cần hoàn lại).
Để có cơ sở xác định đúng thu nhập chịu thuế ở nước ngoài, cá nhân phải xuất trình chứng từ chi trả thu nhập ở nước ngoài, kèm theo thư xác nhận thu nhập hàng năm. Trường hợp cá nhân kê khai không chính xác thu nhập phát sinh tại nước ngoài, cơ quan thuế phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài nơi chi trả thu nhập để xác minh thu nhập của cá nhân ở nước ngoài.
Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú tại VN trong năm tính thuế có thu nhập tại nước ngoài và đã nộp thuế tại nước ngoài thì được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài. Số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp theo biểu thuế của VN tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài. Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa số thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế
******************************************************************************************************************************************
8. Các vấn đề khác :
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Người Mỹ gốc Việt khi về quê hương nếu qua đời, muốn chôn cất tại Việt Nam thì cần có những thủ tục gì?
Trả lời:
Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/03/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang quy định: “Người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nguyện vọng được táng* tại Việt Nam sau khi chết được xem xét, cho phép táng tại các nghĩa trang ở Việt Nam”.
* Theo khoản 6, Điều 3 Nghị định nêu trên giải thích: “Táng là thực hiện việc lưu giữ hài cốt hoặc thi hài của ngươi chết”.
Trước khi thực hiện việc táng cho người quá cố, phải thực hiện thủ tục khai tử theo quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27 tháng 12 năm 2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch (Sau đây gọi tắt là “Nghị định 158/2005/NĐ-CP”).
Việc đăng ký khai tử cho thân nhân là người nước ngoài qua đời tại Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Điều 51, Điều 52 cùa Nghị định 158/2005/NĐ-CP như sau:
Việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam được thực hiện tại Sở Tư pháp tỉnh (thành phố), nơi cư trú cuối cùng của người đó, nếu thân nhân của họ có yêu cầu; trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết, thì Sở Tư pháp tỉnh (thành phố), nơi người đó chết, thực hiện việc đăng ký khai tử;
Người đi đăng ký khai tử phải nộp Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho Giấy báo tử: (i) Trường hợp một người bị Toà án tuyên bố là đã chết, thì quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thay cho Gìấy báo tử; (ii) Trường hợp người chết có nghi vấn, thì văn bản xác định nguyên nhân chết của cơ quan công an hoặc của cơ quan y tế cấp huyện trở lên thay cho Giấy báo tử; (iii) Đối với người chết trên phương tiện giao thông, thì người chỉ huy hoặc điều khiển phương tiện giao thông phải lập biên bản xác nhận việc chết, có chữ ký của ít nhất hai người cùng đi trên phương tiện giao thông đó. Biên bản xác nhận việc chết thay cho Giấy báo tử; (iv) Đối với người chết tại nhà ở nơi cư trú, thì văn bản xác nhận việc chết của người làm chứng thay cho Giấy báo tử;
Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp ghi vào Sổ đăng ký khai tử và bản chính Giấy chứng tử, Giám đốc Sở Tư pháp ký và cấp một bản chính Giấy chứng tử cho người đi đăng ký khai tử.
Sau khi đăng ký khai tử, Sở Tư pháp gửi cho Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao bản sao Giấy chứng tử để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước mà người chết là công dân hoặc thường trú.
Để thủ tục đăng ký khai tử cho thân nhân được thuận lợi, người đi khai tử lưu ý chuẩn bị thêm các giấy tờ sau để xuất trình tại Sở Tư pháp: (1) Giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam của người đã chết; (2) Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế của người đi khai tử.
Sau khi đã nhận được Giấy chứng tử của quá cố, bạn có thể làm thủ tục chôn cất cho người quá cố tại nghĩa trang đã lựa chọn
Việt kiều có ngoại tệ trên tài khoản hoặc nguồn thu ngoại tệ hợp pháp tại Việt Nam được chuyển, mang ra nước ngoài
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Do điều kiện không trở về sống ở Việt Nam nữa, tôi muốn bán căn nhà do bản thân gửi tiền về mua cách đây 2 năm và chuyển số tiền bán nhà sang Pháp. Muốn vậy, tôi phải làm những thủ tục gì?
Trả lời:
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối, người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài có ngoại tệ trên tài khoản hoặc các nguồn thu ngoại tệ hợp pháp được chuyển, mang ra nước ngoài; trường hợp có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam thì được mua ngoại tệ để chuyển, mang ra nước ngoài.
Theo quy định tại Nghị định số 81/2001/NĐ-CP ngày 5/11/2001 của Chính phủ, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể tự mình hoặc uỷ quyền bằng văn bản cho người khác thay mình tham gia các giao dịch mua bán nhà ở.
Do đó, nếu vợ chồng ông Hoà thuộc đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 81/2001/NĐ-CP thì được chuyển ra nước ngoài số tiền có nguồn gốc từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam trên cơ sở xuất trình cho ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối các giấy tờ sau:
+ Giấy tờ xác nhận số tiền vợ chồng ông chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam.
+ Văn bản uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp để làm các thủ tục mua, bán nhà.
+ Hợp đồng mua, bán nhà có chứng nhận của công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trong đó ghi rõ giá mua, bán nhà.
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất đứng tên vợ chồng ông do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có). Trong trường hợp này, vợ chồng ông Hòa hoặc người đại diện theo uỷ quyền được liên hệ, thỏa thuận với ngân hàng nơi chuyển ngoại tệ để dùng số tiền đồng Việt Nam từ việc bán nhà mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài. Số tiền chuyển ra tối đa không quá số tiền thu được từ việc bán nhà
******************************************************************************************************************************************
* Hỏi: Tôi là người Việt Nam hiện đang sinh sống tại Đan Mạch, xin được quý báo giải đáp về tiêu chuẩn hành lý miễn thuế đối với Việt kiều khi nhập cảnh Việt Nam?
Trả lời:
Theo Nghị định số 66/2002/NĐ-CP quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế của Chính phủ ban hành ngày 01/7/2002, thì định mức hành lý được miễn thuế áp dụng đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam như sau:
1. Rượu, đồ uống có cồn:
• Rượu từ 22 độ trở lên: 1,5 lít
• Rượu dưới 22 độ: 2,0 lít
• Đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít
Người dưới 18 tuổi không được hưởng tiêu chuẩn này.
2. Thuốc lá:
• Thuốc lá điếu- 400 điếu
• Xì gà-100 điếu
• Thuốc lá sợi-500 gam
Người dưới 18 tuổi không được hưởng tiêu chuẩn này.
3. Chè, cà phê:
• Chè- 5 kg
• Cà phê 3 kg
Người dưới 18 tuổi không được hưởng tiêu chuẩn này.
4. Quần áo, đồ dùng cá nhân: Số lượng phù hợp phục vụ cho mục đích chuyến đi
5. Các vật phẩm khác (không nằm trong Danh mục hàng cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện): Tổng trị giá không quá 5.000.000 (năm triệu) đồng Việt Nam
Trong trường hợp hành lý của người nhập cảnh vượt quá định mức được miễn thuế thì phần vượt này được coi là hàng hoá nhập khẩu phải thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng hóa nhập khẩu.